Stress là gì?
Stress là trạng thái tâm lý căng thẳng, mệt mỏi, không thực sự tỉnh táo, khó tập trung, trong tâm trí luôn bị ám ảnh bởi một sự việc, vấn đề nào đó.
Stress đi kèm các biểu hiện đặc trưng như: Đau đầu, chóng mặt, khó ngủ, không thể tập trung, hay cáu gắt, hay quên, tâm trạng lo lắng và dễ bị kích động, nhịp tim tăng nhanh, tay đổ nhiều mồ hôi, rối loạn tiêu hoá…
Stress là trạng thái tâm lý căng thẳng, mệt mỏi, ám ảnh do một sự việc, vấn đề nào đó
Stress vô cùng nguy hiểm nếu không được kiểm soát tốt trong thời gian sớm nhất:
- Trầm cảm, lo âu vô căn cứ
- Giảm khả năng tư duy và trí nhớ
- Hệ nội tiết rối loạn, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan và sức khỏe
- Tăng nguy cơ bệnh tim mạch và huyết áp
- Ảnh hưởng đến khả năng tiêu hoá và miễn dịch
- Tác động xấu đến sinh sản: Rối loạn kinh nguyệt ở nữ, rối loạn cương dương ở nam
Stress ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao như thế nào?
Bên cạnh các vấn đề sức khoẻ và tư duy, stress còn cản trở bạn đạt được chiều cao chuẩn.
Cơ chế tác động của stress lên sự phát triển chiều cao
Cơ chế tác động của stress đến quá trình phát triển chiều cao như sau:
Khi rơi vào trạng thái stress do áp lực từ học tập, công việc, chuyện gia đình… cơ thể sẽ tiết ra hàm lượng cao hormone cortisol. Hormone này do tuyến thượng thận tiết ra, có chức năng kiểm soát tâm trạng và nỗi sợ nhằm khống chế stress. Tuy nhiên, cortisol có thể làm giảm sản xuất hormone tăng trưởng (HGH). Trong khi đó, HGH lại là một hormone quan trọng giúp phát triển xương, sụn và cơ bắp, từ đó ảnh hưởng đến chiều cao. Thời gian stress càng kéo dài thì hậu quả tác động lên chiều cao càng lớn.
Bên cạnh đó, stress cũng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, gây khó ngủ, ngủ không ngon giấc. Người bị stress cũng ít khi chú ý đến vấn đề dinh dưỡng và khả năng hấp thu dinh dưỡng. Một số người lại có biểu hiện ăn quá nhiều, gây ra tăng cân mất kiểm soát. Tất cả đều ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao.
Biểu hiện của stress ảnh hưởng đến chiều cao
Trẻ em
Trẻ em thường bị stress từ việc học, áp lực học tập từ cha mẹ, bạn bè, bản thân, bối cảnh gia đình, bạn bè….Stress kéo dài có thể khiến trẻ khó đạt chiều cao chuẩn do ăn uống kém, lười vận động, nghỉ ngơi không hợp lý.
Trẻ em bị stress thường xuyên khó đạt chiều cao chuẩn
Trẻ dễ bị chậm lớn, còi xương, suy dinh dưỡng do ăn uống thiếu chất, rối loạn tiêu hoá, vận động kém, thiếu ngủ. Trẻ bị phát triển chiều cao kém hơn so với tiềm năng di truyền và chỉ đạt chiều cao khiêm tốn khi lớn lên.
Người trưởng thành
Với người trưởng thành, chiều cao không còn tăng thêm được nữa. Nhưng stress kéo dài lại là tác nhân gây ra các bệnh về xương khớp do xương không được bổ sung đủ dinh dưỡng, vận động ít, ngủ không đủ giấc. Những bệnh lý, tổn thương xương khớp do tai nạn cũng lâu khỏi hơn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc, cuộc sống.
Một số nguyên nhân gây stress ảnh hưởng đến chiều cao
Các tác nhân thường gặp gây ra stress ở trẻ em trong độ tuổi tăng chiều cao bao gồm:
- Áp lực học tập: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất. Trẻ em trong giai đoạn đến trường thường xuyên phải học tập quá tải, thi cử liên tục, áp lực điểm số,... có thể gây stress cho trẻ. Các em cũng chưa có nhiều kỹ năng để giải tỏa cảm xúc, suy nghĩ non nớt, nên stress có thể ngày càng nghiêm trọng hơn.
- Áp lực từ gia đình: Nhiều bé gặp tình trạng cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng vào con cái về mặt kết quả, điểm số, phải đỗ được trường điểm để gia đình nở mày nở mặt. Nếu năng lực của trẻ không đáp ứng được kỳ vọng thì cha mẹ càng gây áp lực thêm, la mắng, thậm chí đánh đập trẻ. Gia đình thường xuyên mâu thuẫn, bối cảnh gia đình quá phức tạp... cũng là nguyên nhân gây stress ở trẻ.
Cách cư xử không phù hợp từ cha mẹ có thể khiến con bị stress
- Bắt nạt học đường: Nhiều trẻ em trở thành đối tượng bị bạn học bắt nạt khi ở trường, thậm chí ngoài giờ học. Những trẻ này luôn trong trạng thái lo sợ, căng thẳng sợ bị đánh đập, chấn lột nên dễ rơi vào trạng thái stress.
- Môi trường sống không tốt: Phải sinh hoạt trong môi trường ồn ào, ô nhiễm, phức tạp... cũng có thể gây stress cho trẻ.
- Tính cách: Đôi khi stress xảy ra do chính bản thân của trẻ chứ không phải do yếu tố bên ngoài. Những trẻ có tính cầu toàn, mong muốn mọi chuyện xảy ra phải đúng như mong muốn của mình. Nếu xảy ra chuyện không như ý, các em dễ sa sút tinh thần, suy nghĩ tiêu cực, dẫn đến stress.
- Tình cảm: Vào giai đoạn dậy thì, trẻ bắt đầu có cảm xúc với những bạn khác giới. Nếu chuyện tình cảm không như mong đợi do tình đơn phương, bị phản bội, bị ngăn cấm… cũng có thể khiến trẻ bị stress.
Giải pháp giảm stress để phát triển chiều cao
Để giảm stress, ngăn ngừa những ảnh hưởng của stress đối với sức khoẻ và sự phát triển chiều cao, các bạn có thể áp dụng những giải pháp sau đây:
- Không đặt kỳ vọng học tập vượt khả năng: Mỗi đứa trẻ có những điểm mạnh và điểm yếu riêng, cha mẹ không nên áp đặt trẻ phải đạt thành tích học tập vượt khả năng của trẻ. Phụ huynh nên tạo môi trường học tập thoải mái cho con, khuyến khích và ủng hộ năng khiếu của con, giúp con học tập thoải mái, không bị áp lực quá lớn.
- Tạo môi trường gia đình vui vẻ, hạnh phúc: Trong mỗi cột mốc quan trọng của con, nên có sự đồng hành của cha mẹ, tạo không khí gia đình vui vẻ, ấm cúng. Ngoài ra, cũng nên quan tâm, chia sẻ và lắng nghe con cái từ chuyện học hành, bạn bè, những ý kiến của con cái về các vấn đề của gia đình.
Cha mẹ nên thường xuyên trò chuyện với con cái
- Dạy trẻ cách khắc phục stress: Bên cạnh việc giảm nguy cơ stress ở trẻ, phụ huynh cũng nên hướng dẫn trẻ cách vượt qua trạng thái tồi tệ này. Khuyến khích trẻ nếu gặp bất kỳ khó khăn nào trong cuộc sống, nên học cách thư giãn, tập thể dục, tham gia các hoạt động vui chơi giải trí để giảm stress. Suy nghĩ mọi chuyện tích cực, lạc quan, bình tĩnh tìm ra cách giải quyết phù hợp nhất.
- Cung cấp chế độ dinh dưỡng khoa học, có lợi cho chiều cao: Quan tâm đến chế độ ăn uống hằng ngày của trẻ, cho trẻ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là các thực phẩm giàu canxi, vitamin D, protein, magie… để giúp hệ xương chắc khỏe, chiều cao phát triển nhanh chóng hơn
- Đảm bảo ngủ đủ giấc: Trẻ em cần ngủ đủ 8-10 tiếng mỗi ngày để cơ thể phát triển tốt nhất. Ngủ đủ giấc cũng giúp tinh thần của trẻ tỉnh táo, tập trung hơn, giảm nguy cơ bị stress và cải thiện kết quả học tập.
- Khuyến khích con vận động thể thao: Tập luyện thể thao là một cách hiệu quả để thúc đẩy chiều cao phát triển tốt. Đồng thời nó còn giúp giảm căng thẳng, hỗ trợ khắc phục stress ở cả trẻ em và người lớn. Mỗi ngày trẻ nên dành khoảng 1 tiếng để tập luyện các môn thể thao theo năng khiếu của mình.
Stress có thể diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sức khoẻ và sự phát triển chiều cao của trẻ. Do đó, cha mẹ nên theo sát trẻ, kịp thời phát hiện và khắc phục sớm nhất.
NuBest Vietnam