Hormone tăng trưởng và vai trò của nó trong việc tăng chiều cao
Hormone tăng trưởng hay growth hormone là một hormone tự nhiên do tuyến yên tiết ra, tác động lên nhiều bộ phận của cơ thể, thúc đẩy chiều cao tăng lên. Ngay cả khi chúng ta đã ngừng cao, hormone tăng trưởng vẫn có những chức năng nhất định như duy trì cấu trúc cơ thể, trao đổi chất, giữ mức đường trong máu ổn định.
Tuyến yên chỉ có kích thước bằng hạt đậu, nằm ở đáy não, ở dưới vùng dưới đồi. Tuyến yên gồm 2 thuỳ là thuỳ trước và thuỳ sau. Hormone tăng trưởng được tạo ra từ thuỳ trước tuyến yên.
Hormone tăng trưởng tác động đến nhiều chức năng trong cơ thể
Tuyến yên giải phóng hormone tăng trưởng theo từng đợt ngắn suốt cả ngày. Quá trình giải phóng hormone tăng trưởng được kiểm soát bởi hormone vùng dưới đồi. Một số hormone nội tiết khác cũng ảnh hưởng đến quá trình sản xuất hormone tăng trưởng như yếu tố tăng trưởng giống Insulin (IGF-1). Hàm lượng và thời gian sản xuất hormone tăng trưởng thay đổi theo thời gian trong ngày, độ tuổi, giới tính.Vào ban đêm, khi cơ thể ở trạng thái ngủ sâu là lúc tuyến yên tổng hợp được nhiều hormone tăng trưởng nhất, lớn hơn gấp nhiều lần so với ban ngày hoặc lúc trẻ thức.
Phạm vi sản xuất hormone bình thường được xác định cụ thể như sau:
- Bé trai sơ sinh: 0,4 đến 10 nanogram trên mililit (ng/mL), hoặc 18 đến 44 picomole trên lít (pmol/L).
- Bé gái sơ sinh: 1 đến 14 ng/mL, hoặc 44 đến 616 pmol/L
- Đối với trẻ em: 10 đến 50 ng/mL, hoặc 440 đến 2200 pmol/L
GH sẽ kích hoạt sự tăng trưởng các mô và cơ quan trong cơ thể, trong đó tập trung tác động nhiều nhất đối với vùng sụn và xương, nhất là trong tuổi dậy thì. Tế bào sụn và tế bào xương nhận tín hiệu từ GH để tăng cường sao chép và tăng trưởng về kích thước. Nhờ vậy thúc đẩy chiều dài xương tăng lên, chiều cao phát triển thuận lợi.
Khi nồng độ GH trong cơ thể quá thấp do tuyến yên bị tổn thương, suy tuyến yên. Ở trẻ em bị thiếu hormone tăng trưởng, chiều cao phát triển kém từ giai đoạn 3 tuổi trở đi, khuôn mặt non nớt, tóc mọc thưa, trẻ cũng dậy thì muộn hơn. Người lớn thiếu hormone tăng trưởng, lượng mỡ trong cơ thể tăng lên, nguy cơ bị bệnh tim cao, tim cơ và xương yếu dần.
Tác động của giấc ngủ đến việc tiết ra hormone tăng trưởng và sức khỏe
Cơ thể chúng ta cần được ngủ nghỉ, thư giãn đủ thời gian và chất lượng nhằm đảm bảo sức khoẻ và sự tăng trưởng thể chất. Đối với sức khỏe, giấc ngủ có những vai trò quan trọng sau:
- Nâng cao hệ miễn dịch: Ngủ ngon giấc hằng ngày sẽ cải thiện chức năng của tế bào T. Tế bào T là một trong những tế bào miễn dịch, chống lại mầm bệnh nội bào, bảo vệ cơ thể khỏi virus cúm, HIV, Herpes, tế bào ung thư. Trong khi ngủ, mức độ adrenaline, noradrenaline và tuyến tiền liệt sẽ xuống thấp. Trong lúc đó, độ dính của các integrins lại mạnh hơn. Chính độ dính mạnh này sẽ hỗ trợ tế bào T kiểm soát các tác nhân có hại cho sức khỏe tốt hơn, ngăn ngừa chúng tấn công cơ thể. Do đó, giấc ngủ giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các bệnh tật, tạo điều kiện cho sự phát triển tốt nhất.
Giấc ngủ có vai trò quan trọng đối với sức khoẻ
- Cải thiện dinh dưỡng: Khi ngủ đủ giấc giúp cơ thể hấp thu dinh dưỡng tốt hơn,đặc biệt là các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển chiều cao như canxi, protein, vitamin D, sắt, kẽm… Hệ tiêu hoá cũng được nghỉ ngơi, tế bào niêm mạc dạ dày, đường ruột phục hồi và tái tạo. Thiếu ngủ có thể gây viêm loét đường tiêu hoá, rối loạn chức năng dạ dày và ruột, ảnh hưởng đến sức khỏe hệ tiêu hoá cũng như quá trình hấp thụ dưỡng chất từ thực phẩm.
- Điều chỉnh tâm trạng: Giấc ngủ cũng có ý nghĩa tốt đối với tinh thần và tâm trạng của chúng ta. Ngủ sớm và đủ giấc sẽ tăng cường sự phục hồi về tinh thần và cảm xúc. Ngủ không đủ giấc, ngủ không ngon sẽ gây ra các vấn đề lâu dài về trí nhớ, tâm trạng, tăng lượng đường trong máu. Nó còn ảnh hưởng đến mức độ dẫn truyền thần kinh và hormone căng thẳng, gây hại cho não bộ, giảm khả năng suy nghĩ và điều chỉnh cảm xúc.
Hậu quả của thiếu ngủ đối với quá trình sản xuất hormone tăng trưởng và chiều cao
Đánh giá về quá trình sản xuất hormone tăng trưởng của cơ thể cho thấy, khoảng 2/3 tổng lượng bài tiết GH hàng ngày được tạo ra vào ban đêm khi cơ thể bắt đầu giấc sâu. Nếu con ngủ không đủ giấc, thời gian nghỉ ngơi trong ngày không hợp lý có thể cản trở hoạt động sản xuất GH của tuyến yên.
Việc thiếu ngủ thường xuyên và mức độ nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ và sự tăng trưởng thể chất như sau:
- Giảm lượng hormone tăng trưởng: Ngủ là điều kiện cần có để tuyến yên thuận lợi tổng hợp hormone tăng trưởng vào ban đêm. Vào ban đêm, khung giờ tuyến yên sản xuất ra nhiều hormone tăng trưởng nhất là khoảng từ 23h - 01h sáng. Nếu trẻ không ngủ hoặc chưa ngủ sâu giấc trong khung giờ này, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến yên, khiến lượng GH sụt giảm. Điều này sẽ tác động xấu đến sự phát triển chiều cao của trẻ.
- Chiều cao hạn chế: Thiếu ngủ, mất ngủ trong thời gian dài có thể khiến chiều cao của trẻ thấp hơn chuẩn so với độ tuổi. Điều này xảy ra do sự cộng hưởng của nhiều yếu tố:
+ Hormone tăng trưởng tiết ra ít
+ Đề kháng của trẻ kém, dễ bị bệnh
+ Cơ thể hấp thụ dinh dưỡng kém, thiếu hụt các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển chiều cao
+ Trẻ mệt mỏi về cả thể chất lẫn tinh thần, lười vận động hơn, thiếu sức sống
Ngủ sớm và đủ giấc giúp trẻ cao lớn và khoẻ mạnh hơn
- Mắc bệnh xương khớp: Nguy cơ mắc các bệnh về xương khớp cao hơn, nhất là khi lớn tuổi nếu ngủ ít và ngủ quá khuya. Sau một ngày dài vận động thể chất, ngủ là thời gian để các tế bào xương phục hồi, sửa chữa, tái tạo tế bào mới, phục hồi các tổn thương. Nếu thường xuyên ngủ không đủ giấc, hệ xương không có đủ thời gian để phục hồi, sức khoẻ xương suy giảm, tăng nguy cơ bệnh xương khớp.
- Suy giảm sức khỏe: Giấc ngủ có sức ảnh hưởng lớn đối với nhiều khía cạnh sức khoẻ như dinh dưỡng, thể chất, tinh thần, miễn dịch… Với những người không chăm sóc giấc ngủ đúng cách trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống sau này.
Giải pháp để có giấc ngủ ngon hỗ trợ tăng trưởng chiều cao
Để có được giấc ngủ ngon mỗi ngày, hỗ trợ chiều cao tăng trưởng tốt, các bạn nên chú ý áp dụng một số giải pháp quan trọng sau:
- Ngủ đủ giấc: Đảm bảo trẻ ngủ đủ 8 - 12 tiếng mỗi ngày, tùy theo độ tuổi. Tuổi càng nhỏ thì nhu cầu về giấc ngủ càng lớn. Chỉ khi ngủ đủ giấc thì cơ thể mới thực sự khỏe mạnh, tràn đầy năng lượng, học tập và làm việc hiệu quả.
- Ngủ đúng giờ: Tạo thói quen ngủ và thức dậy đều đặn mỗi ngày, kể cả vào cuối tuần. Thời điểm tốt nhất để trẻ bắt đầu ngủ là từ 21h - 22h hằng ngày. Điều này đảm bảo trẻ sẽ bước vào trạng thái ngủ sâu từ 23h trở đi, trùng với thời điểm tuyến yên sản xuất ra nhiều hormone tăng trưởng nhất trong ngày. Không nên để trẻ có thói quen ngủ quá khuya sẽ ảnh hưởng đến việc đảm bảo nhu cầu giấc ngủ cũng như lượng hormone tăng trưởng.
Hạn chế sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ
- Nâng cao chất lượng giấc ngủ: Giấc ngủ được đánh giá là đảm bảo chất lượng khi bạn chú ý đến các yếu tố sau:
+ Không gian phòng ngủ thoải mái, yên tĩnh, nhiệt độ và ánh sáng phù hợp.
+ Tránh sử dụng thiết bị điện tử trước giờ đi ngủ 30 phút.
+ Đọc sách hoặc nghe nhạc nhẹ nhàng trước khi ngủ giúp trẻ dễ ngủ và ngủ ngon hơn.
+ Có thể vận động nhẹ nhàng trước khi ngủ, nhưng không quá sát giờ ngủ. Tốt nhất bạn nên hoàn thành xong các bài tập trước giờ đi ngủ khoảng 30 phút.
+ Không ăn quá no vào buổi tối, không ăn trước khi ngủ, có chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để chiều cao phát triển tốt.
Thiếu ngủ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển chiều cao và sức khỏe. Do đó, cha mẹ nên tránh để con ngủ quá khuya, ngủ không đủ giấc trong thời gian dài. Thay vào đó, hỗ trợ con xây dựng lịch trình sinh hoạt khoa học, ngủ đủ giấc và đi ngủ trước 22h hằng ngày cùng với chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý để chiều cao tăng trưởng tối đa.