Trẻ 3 tuổi phát triển như thế nào?
Ở giai đoạn 3 tuổi, tốc độ tăng trưởng của con sẽ chậm hơn so với 2 năm trước đó. Nhưng tăng trưởng như thế nào sẽ mang tính cá nhân của từng bé và chịu sự ảnh hưởng bởi cách chăm sóc hằng ngày. Cha mẹ có thể đánh giá sự phát triển của trẻ 3 tuổi trên những phương diện sau đây:
Chiều cao cân nặng chuẩn của trẻ 3 tuổi
Dựa trên số liệu do Tổ chức Y tế Thế Giới WHO công bố, chiều cao chuẩn của trẻ 3 tuổi là 95,1 cm đối với bé gái, và khoảng 96,1 cm đối với bé trai. Cân nặng chuẩn là 13 đến 15 kg với bé gái và khoảng 14 kg đến 14,5 kg đối với bé trai. Mức tăng trưởng trung bình của trẻ 3 tuổi là khoảng 1.8-2.7kg/năm, chiều cao tăng lên khoảng 5-7.6cm/năm.
Chiều cao chuẩn của bé trai 3 tuổi là 96,1 cm
So với 2 năm đầu đời, chiều cao và cân nặng của con có dấu hiệu phát triển chậm hơn trong năm này. Do đó, cha mẹ không cần phải quá lo lắng khi nhận thấy con mình không còn tăng trưởng nhanh như trước đó nhé.
Sự vận động của trẻ 3 tuổi?
Sự phát triển về vận động của trẻ 3 tuổi được phân thành vận động thô (gross motor) và vận động tinh (fine motor).
Về vận động thô, trẻ 3 tuổi thường sẽ thực hiện được những kỹ năng sau:
- Tự leo cầu thang lên và xuống
- Trẻ có thể đá, ném và bắt bóng khá nhanh nhẹn
- Trẻ đã biết đi xe đạp 3 bánh một cách thuần thục
- Có thể nhảy và đứng 1 chân lâu hơn 5 giây
- Trẻ chạy tới hay đi lùi dễ dàng
- Trẻ cúi xuống nhặt đồ mà không bị ngã
- Trẻ tự mặc quần áo và cởi quần áo mà không còn cần sự giúp đỡ của người lớn.
Khả năng vận động tinh của trẻ 3 tuổi thông qua kỹ năng sử dụng bàn tay, ngón tay linh hoạt hơn so với thời gian trước:
- Trẻ có thể cầm nắm các đồ vật nhỏ, lật dở trang sách dễ dàng
- Trẻ thậm chí có thể sử dụng kéo (loại kéo nhỏ phù hợp với bàn tay của trẻ) để cắt nhỏ các vật liệu như lá, giấy…
- Trẻ biết cách cầm bút và vẽ những đường nét đơn giản dựa trên những hướng dẫn của người lớn
- Trẻ biết lắp ráp mô hình có từ 4 chi tiết trở lên
- Trẻ tự mở, đóng nắp chai thuần thục
Trẻ 3 tuổi có khả năng vận động khá nhanh nhẹn, linh hoạt
Khả năng tư duy của trẻ khi 3 tuổi
Suy nghĩ và tư duy của trẻ ở độ tuổi hiện tại đa dạng và nhanh nhạy hơn. Trẻ thường xuyên đặt ra cho người lớn những câu hỏi tại sao thể hiện sự thắc mắc và muốn khám phá thế giới như tại sao lá cây màu xanh, tại sao xe lại di chuyển được, tại sao trời lại mưa… Trẻ hỏi càng nhiều cho thấy con đang phát triển tư duy càng tốt. Ngoài ra, trẻ còn có thể thực hiện được các hoạt động sau đây:
- Biết gọi tên và phân biệt các màu sắc
- Tưởng tượng, sáng tạo ra những câu chuyện khác nhau
- Hiểu được nghĩa của các từ thông dụng
- Nhận biết được thời gian trong ngày
- Phân biệt và sắp xếp được đồ vật có màu sắc và hình dạng tương tự nhau
- Trả lời được các câu đố đơn giản
- Tự giới thiệu được thông tin cơ bản của bản thân mình, cha và mẹ
Kỹ năng ngôn ngữ của trẻ 3 tuổi
Về khả năng ngôn ngữ, trẻ 3 tuổi có thể tự làm được những điều sau:
- Giới thiệu tên tuổi của bản thân và cha mẹ
- Hiểu được nghĩa và biết nói khoảng 200-500 từ
- Trả lời các câu hỏi đơn giản
- Biết sử dụng các từ xưng hô phù hợp với từng người: Con, bạn, mình, chúng mình…
- Biết hát các bài đơn giản, kể chuyện
- Biết mô tả cụ thể những gì mà con nhìn thấy được
- Biết phân biệt các vị trí như trong, ngoài, trên, dưới…
- Phát âm rõ rõ ràng và dễ nghe
Trẻ 3 tuổi có thể tự giới thiệu các thông tin cơ bản như tên, tuổi
Tâm lý khi trẻ 3 tuổi
Về mặt tâm lý, trẻ 3 tuổi có những biểu hiện sau đây:
- Trẻ hòa đồng và thích được chơi đùa với người khác hơn, nhất là bạn cùng tuổi
- Trẻ đã biết cách giao tiếp và hợp tác với các bé khác khi chơi đồ chơi hay các trò chơi chung
- Biết thể hiện các khía cạnh cảm xúc khác nhau như hạnh phúc, buồn bã, tức giận, hào hứng…
- Trẻ bắt đầu hình thành những nỗi sợ hãi phi thực tế
Dạy bảo, chăm sóc trẻ 3 tuổi như thế nào?
Để con phát triển tốt cả về thể chất và trí tuệ, tính cách giai đoạn này, cha mẹ nên tiến hành giáo dục, chăm sóc con đúng cách theo các nguyên tắc sau:
Xây dựng thói quen sinh hoạt khoa học cho trẻ
Ở độ tuổi hiện tại, là thời điểm rất phù hợp để rèn luyện, xây dựng cho con lịch trình, thói quen sinh hoạt hằng ngày thật khoa học, lành mạnh. Bản thân cha mẹ cũng cần làm gương để con có thể tuân thủ việc sinh hoạt khoa học hằng ngày.
- Tuân thủ về thời gian ăn uống các bữa trong ngày
- Trẻ chỉ được xem ti vi, điện thoại vào những khung giờ cố định, thời lượng cố định
- Khuyến khích con đi ngủ và thức dậy vào khung giờ cố định trong ngày, ngủ sớm và đủ giấc để chiều cao tăng trưởng tốt.
- Tạo điều kiện để con vận động thể thao thông qua các trò chơi như đạp xe, kéo co… với thời gian khoảng 30 phút/ngày để tăng cường sức khỏe và phát triển chiều cao tốt.
- Không để con tùy tiện ăn các thực phẩm nhiều đường, nhiều dầu mỡ… vì đây là những thực phẩm có thể gây bất lợi cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Bồi dưỡng ngôn ngữ cho trẻ
Khả năng học hỏi, ghi nhớ của trẻ 3 tuổi rất tốt. Do đó đây là thời điểm vàng để trau dồi ngôn ngữ cho con. Cha mẹ nên thường xuyên nói chuyện với con, dạy cho con các từ vựng đơn giản phù hợp với độ tuổi hiện tại như từ chỉ vị trí, số đếm, các bộ phận trên cơ thể người, các màu sắc và hình dạng, các đồ dùng trong gia đình, các loại động vật…
Ngoài ra, trong quá trình trò chuyện, giao tiếp với con hằng ngày, cha mẹ nên quan sát, để kịp thời điều chỉnh lỗi trong phát âm, dùng từ của con. Thường xuyên đưa ra những câu hỏi để kích thích khả năng tư duy về ngôn ngữ cho trẻ. Bên cạnh đó, nên tập cho con cách sắp xếp các yếu tố trong câu hỏi, câu trả lời sao cho đúng nhất.
Có thể dạy con thông qua các trò chơi
Dạy con tự lập
Khi trẻ đã có kỹ năng vận động và tư duy tương đối tốt, cha mẹ hãy tạo điều kiện và hướng dẫn con tự thực hiện một số hoạt động cá nhân phù hợp với khả năng của con như sau:
- Dạy trẻ tự cởi và mặc quần áo, giữ quần áo sạch sẽ trong quá trình sinh hoạt hằng ngày
- Dạy trẻ cách tự vệ sinh cá nhân: Đánh răng, rửa mặt, lau mặt, mang giày, cởi giày…
- Dạy trẻ tự sắp xếp đồ dùng, đồ chơi sau khi sử dụng xong
- Dạy trẻ tự ăn uống vào bữa ăn mà không cần đút
Dạy con đọc sách
Nhiều phụ huynh cho rằng khi trẻ chưa biết chữ, chưa cần thiết phải dạy con đọc sách. Nhưng ở độ tuổi hiện tại, cha mẹ nên cho con làm quen với các loại sách tranh, truyện tranh để xây dựng thói quen đọc sách từ nhỏ cho con. Các loại sách này cũng giúp trẻ có khả năng quan sát, tượng tượng tốt hơn, rất có lợi cho sự phát triển trí tuệ sau này.
Dạy con cách hoạt động trong tập thể, hợp tác với người khác
Hiện nay hầu hết trẻ đều đến trường trước giai đoạn 3 tuổi ở các lớp trẻ. Nhưng từ thời điểm này, trẻ sẽ bước vào giai đoạn học mầm non, bắt đầu học kiến thức, kỹ năng, sinh hoạt tập thể. Do đó, cần hướng dẫn trẻ cách hoạt động trong tập thể, phối hợp với các bạn học khác trong học tập và vui chơi.
Khuyến khích con trò chuyện, tương tác với các bé cùng tuổi
- Dạy trẻ cách sẻ chia đồ chơi với bạn học
- Hướng dẫn con cách trò chuyện, tương tác với bạn học
- Cách phối hợp với bạn học trong quá trình học, vui chơi để trẻ hoàn thành tốt các bài học trong tập thể
- Dạy con cách đối xử đúng mực với bạn học khác giới tính, tự bảo vệ bản thân mình trong môi trường tập thể
Cách chăm sóc con phát triển chiều cao, cân nặng đạt chuẩn
Để con phát triển thể chất đạt chuẩn ở giai đoạn 3 tuổi và các giai đoạn sau này, cần chú ý chăm sóc con khoa học hằng ngày theo các lưu ý quan trọng sau đây:
- Xây dựng cơ cấu bữa ăn khoa học hằng ngày, chia nhỏ bữa ăn cho con, nên cho con ăn 5-6 bữa/ngày
- Lựa chọn các thực phẩm lành mạnh, giàu dinh dưỡng vào thực đơn cho con như: Sữa tươi, phô mai, thịt gà, trứng gà, tôm, cua, cá hồi, rau cải bó xôi, bông cải xanh, bơ, quýt, cam…
- Cùng con tham gia các hoạt động thể dục thể thao tại nhà phù hợp với thể trạng, độ tuổi của con.
- Khuyến khích con ngủ sớm, ngủ đủ giấc hằng ngày. Nhu cầu giấc ngủ của con ở thời kỳ 3 tuổi là 12-14 tiếng/ngày. Thời điểm đi ngủ tốt nhất là từ 20h – 21h hằng ngày.
- Đưa con đi thăm khám sức khỏe định kỳ, tiêm phòng theo lịch để có thể trạng tốt nhất, phòng ngừa bệnh tật nguy hiểm.
- Dọn dẹp nhà cửa, phòng ngủ của con sạch sẽ, đảm bảo không gian sống của con luôn gọn gàng và sạch sẽ.
- Không nên quát mắng, đánh đập trẻ sẽ gây ra các tổn thương tâm lý, khiến con mắc bệnh tâm lý, trầm cảm…
- Kiểm tra chiều cao, cân nặng của con thường xuyên, đối chiếu kết quả với chuẩn để biết được con đã phát triển đạt chuẩn hay chưa.
Trẻ 3 tuổi vẫn là những đứa trẻ ngây thơ, cần sự chăm sóc đặc biệt kỹ lưỡng từ gia đình. Do đó, cha mẹ nên dành nhiều thời gian nhất có thể cho con, đồng hành cùng con phát triển về nhiều mặt thể chất, tâm lý, tính cách… giúp con khôn lớn khỏe mạnh và vui vẻ nhất.