Bệnh còi xương là gì?
Bệnh còi xương thường gặp ở trẻ em nhất là giai đoạn dưới 3 tuổi. Đây là một dạng rối loạn dưỡng xương, xương nhỏ, yếu, mềm do hàm lượng canxi, phốt pho, vitamin D quá thấp. Nhiều trẻ em bị rối loạn di truyền, gặp các vấn đề chuyển hóa canxi, phốt pho trong cơ thể, hàm lượng các chất này quá thấp khiến xương không thể phát triển bình thường.
Còi xương là bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 3 tuổi
Ở người lớn, còi xương còn được gọi là nhuyễn xương, thường gặp ở phụ nữ trong giai đoạn mang thai.
Một số triệu chứng của bệnh còi xương gồm:
- Xương bị mềm hóa, dễ gãy
- Trẻ còi cọc, chiều cao và cân nặng dưới chuẩn
- Xương phát triển chậm và có biểu hiện bất thường:
- Xương sọ: Thóp liền chậm, bờ thóp mềm, bướu đỉnh, đầu to, bướu trán…
- Xương chi: Xương chi cong
- Lồng ngực: Có hình như ngực gà, nhìn rõ hình chuỗi hạt sườn
- Trẻ chậm mọc răng, răng dễ bị sâu, bị hôi miệng
- Kỹ năng vận động kém, trẻ chậm biết bò, chậm biết đi
- Ngủ không ngon giấc, hay quấy khóc, hay giật mình
- Trẻ ra nhiều mồ hôi về đêm (mồ hôi trộm)
- Trẻ bị tụt canxi, nôn mửa, hay co giật
Ảnh hưởng của bệnh còi xương đến sự phát triển chiều cao
Trẻ bị bệnh còi xương nếu không được chăm sóc đúng cách, khắc phục kịp thời, rất có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển chiều cao của trẻ.
Xương mềm và dễ gãy do không có đủ canxi, phốt, pho, vitamin D, khiến tốc độ tăng trưởng xương kém, mật độ xương thấp, trẻ sẽ thấp lùn hơn so với chuẩn chiều cao độ tuổi.
Trẻ bị còi xương thường đi đôi với thể lực kém nên khó có thể tập luyện thể thao thường xuyên. Trong khi đó đây là điều kiện thuận lợi để chiều cao phát triển nhanh chóng.
Còi xương ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ và chiều cao của trẻ
Thiếu hụt canxi cũng khiến trẻ ngủ không ngon giấc, hay giật mình và tỉnh giấc vào ban đêm. Ngủ không ngon giấc cản trở tuyến yên sản xuất hormone tăng trưởng, tác động tiêu cực đến sự phát triển chiều cao của trẻ.
Do đó, trẻ bị còi xương từ nhỏ khó có thể đạt được chiều cao chuẩn theo độ tuổi và thường bị thấp lùn khi trưởng thành nếu không được chăm sóc đúng cách.
Các yếu tố nguy cơ gây bệnh còi xương
Những yếu tố sau đây là nguy cơ gây ra còi xương ở trẻ:
- Thiếu vitamin D: Bệnh còi xương thường xuất phát từ các nguyên nhân chính là thiếu hụt vitamin D. Canxi và phốt pho là những thành phần chính trong cấu tạo xương. Vitamin D có nhiệm vụ hỗ trợ cơ thể hấp thụ canxi và phốt pho tốt hơn. Cụ thể, vitamin D tham gia vào quá trình hỗ trợ hấp thu canxi từ ruột vào máu, sẵn sàng để được vận chuyển đến xương.
Khi không có đủ lượng vitamin D cần thiết, sẽ ảnh hưởng đến sự hấp thụ canxi và phốt pho tại xương, xương phát triển kém, nhỏ và yếu hơn do không có đủ nguyên liệu.
- Chế độ ăn nghèo dinh dưỡng: Chế độ ăn uống hằng ngày không đa dạng, thiếu hụt canxi, phốt pho cũng là một tác nhân gây ra bệnh còi xương ở trẻ.
Trẻ kén ăn có nguy cơ bị còi xương cao
- Trẻ bị bệnh: Một số trẻ bị rối loạn di truyền, mắc bệnh chuyển hóa như viêm đường ruột, xơ nang, bệnh thận hay bệnh Celiac, khả năng hấp thụ canxi kém, khiến xương chậm phát triển và còi xương.
- Một số yếu tố khác: Trẻ sinh non, sinh đôi, suy dinh dưỡng, mắc các bệnh lý về gan, thận,...
Phòng ngừa và điều trị bệnh còi xương
Phòng ngừa bệnh còi xương
Để phòng ngừa bệnh còi xương cho trẻ, hỗ trợ trẻ tăng trưởng chiều cao tốt trong giai đoạn phát triển, cha mẹ nên chú ý một số điểm quan trọng sau:
- Bổ sung vitamin D cho trẻ: Vitamin D cần thiết để cơ thể thuận lợi hấp thu canxi từ thực phẩm. Cách đơn giản nhất để đáp ứng nhu cầu vitamin D cho trẻ là tạo điều kiện để trẻ tiếp xúc ánh nắng mặt trời hợp lý. Mỗi ngày trẻ nên tắm nắng 15- 20 phút trong thời điểm nắng dịu nhẹ như vào buổi sáng sớm, buổi chiều muộn để da tự tổng hợp vitamin D. Ngoài ra, cha mẹ vẫn có thể bổ sung vitamin D cho con qua chế độ ăn có lòng đỏ trứng, sữa chua, nấm, cá béo hoặc thực phẩm chức năng chứa vitamin D theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng: Thói quen ăn uống hằng ngày trực tiếp tác động đến sức khỏe và sự tăng trưởng chiều cao của trẻ. Các bữa ăn phải cung cấp đủ canxi, photpho, vitamin D và các dưỡng chất cần thiết khác cho sự phát triển của trẻ. Mẹ nên cho trẻ ăn thường xuyên những thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao như: Sữa tươi, phô mai, cá hồi, cá mòi, rau bina, bông cải xanh, cà rốt, thịt gà, trứng gà, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu… Ngoài ra, nên hạn chế để con ăn những thực phẩm thuộc nhóm thức ăn nhanh như khoai tây chiên, xúc xích chiên, pizza… hay các sản phẩm chứa chất kích thích như cà phê, nước tăng lực, rượu bia…
- Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời: Với trẻ sơ sinh, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng toàn diện và tuyệt vời cho trẻ. Trong sữa mẹ có hầu hết các chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ, đồng thời còn chứa các kháng thể giúp trẻ khỏe mạnh hơn, ít ốm vặt hơn. Các tổ chức y tế trong và ngoài nước nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời mà không cần bổ sung thêm bất kỳ thực phẩm nào. Sau 6 tháng, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ lớn hơn, hệ tiêu hóa cũng đã phát triển tốt, sẵn sàng để tiêu hóa thức ăn ngoài sữa. Thì cha mẹ mới nên cho bé ăn dặm. Cho trẻ ăn dặm quá sớm trước thời điểm 6 tháng là một nguyên nhân ảnh hưởng xấu đến sự phát triển chiều cao của trẻ.
Nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời
- Thăm khám sức khỏe định kỳ: Nên theo dõi sức khỏe trẻ định kỳ cho trẻ sau mỗi 3 tháng để kiểm tra tình trạng phát triển thể chất và phát hiện những vấn đề sức khỏe nếu có. Trường hợp nhận thấy con có bất kỳ dấu hiệu sức khỏe bất thường nào, nên đưa con đi khám bác sĩ để được kiểm tra, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Điều trị còi xương cho trẻ
Trong trường hợp con của bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh còi xương, nên bình tĩnh và thực hiện các hướng dẫn sau đây:
- Bổ sung vitamin D và các chất thiết yếu: Bắt đầu bổ sung vitamin D và các khoáng chất thiếu hụt gây ra tình trạng còi xương ở trẻ như canxi, phốt pho, magie, kẽm… thông qua ăn uống và thực phẩm chức năng để kịp thời cung cấp dưỡng chất cho xương, cải thiện mật độ xương và chất lượng xương, khắc phục còi xương.
- Chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng: Không chỉ quan tâm bổ sung vi khoáng, muốn con khỏe mạnh hơn từng ngày, nên đảm bảo cho con chế độ dinh dưỡng đầy đủ với đa dạng thực phẩm và cơ cấu bữa ăn phù hợp. Mỗi ngày nên cho con ăn 4-5 bữa, gồm 3 bữa chính là 2 bữa phụ để tăng cường dinh dưỡng, hỗ trợ cải thiện còi xương và hỗ trợ chiều cao phát triển tốt.
- Điều trị các bệnh lý đi kèm (nếu có): Trường hợp con bị còi xương đi kèm các bệnh lý khác như bệnh thận, bệnh rối loạn chuyển hóa… nên kết hợp điều trị cùng lúc để kiểm soát nguy cơ còi xương tái phát, cải thiện tình trạng sức khỏe hiệu quả.
Thăm khám sức khỏe thường xuyên cho trẻ
- Điều trị theo phác đồ bác sĩ: Dù đã chủ động chăm sóc con tại nhà thì cha mẹ vẫn nên đưa con đi thăm khám sức khỏe để kiểm tra chi tiết, xác định mức độ bệnh và được hỗ trợ tư vấn phác đồ điều trị còi xương phù hợp với tình trạng bệnh.
Còi xương là tác nhân hàng đầu dẫn đến thấp lùn ở trẻ. Do đó nếu nghi ngờ con có dấu hiệu còi xương, cha mẹ nên kịp thời áp dụng các phương pháp điều trị theo tư vấn của bác sĩ để khắc phục bệnh nhanh chóng, hỗ trợ chiều cao phát triển tối đa.