Thiếu Canxi ở trẻ là gì?
Canxi là thành phần chính trong cấu trúc xương, quyết định độ chắc khỏe và khả năng phát triển của xương. Ngoài ra, Canxi còn tham gia vào nhiều nhiệm vụ quan trọng khác trong cơ thể: Hoạt động của tim, hệ thần kinh, miễn dịch, quá trình đông máu…
Thiếu Canxi là tình trạng chỉ số Canxi trong máu thấp hơn mức độ bình thường. Khi thực hiện các xét nghiệm Canxi máu, chúng ta có thể dễ dàng nhận biết mức Canxi trong cơ thể đang bình thường, thiếu hoặc dư thừa.
Thiếu Canxi ở trẻ là tình trạng không thể xem thường
Tùy vào giai đoạn phát triển và tình trạng sức khỏe mà định nghĩa thiếu canxi ở trẻ sẽ có sự khác biệt:
- Trẻ em: Thiếu Canxi xảy ra khi nồng độ Canxi huyết thanh nhỏ hơn 2,1 mmol/L (8,5 mg/dL)
- Trẻ sơ sinh đủ tháng: Canxi trong huyết thanh nhỏ hơn 2mmol/L (8 mg/dL) hoặc phần ion hóa dưới 1,1 mmol/L (4,4 mg/dL)
- Trẻ sinh non: Canxi huyết thanh nhỏ hơn 1,75 mmol/L (7 mg/dL) nếu trẻ nhẹ hơn 1500g, mức Canxi ion hóa giảm xuống dưới 0,8-0,9 mmol/L.
Đối với trẻ sơ sinh, Canxi cần thiết cho quá trình hình thành và phát triển khung xương, duy trì các chức năng sức khỏe bình thường, hạn chế các vấn đề về xương khớp và biến chứng thần kinh.
Trẻ thiếu Canxi nguyên nhân vì sao?
Trẻ bị thiếu Canxi vì các nguyên nhân sau:
- Trẻ bị thiếu Oxy, bị ngạt trong quá trình chào đời
- Di chứng do ngộ độc thai nghén, mẹ bầu bị đái tháo đường trong thai kỳ
- Chế độ ăn của mẹ thiếu hụt Canxi (trong giai đoạn trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn), chế độ ăn hằng ngày không được cung cấp đủ hàm lượng Canxi cần thiết.
- Trẻ em không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, cơ thể thiếu hụt vitamin D. Vitamin D là yếu tố cần thiết để cơ thể hấp thụ và chuyển hóa Canxi. Khi thiếu vitamin D, dù bổ sung đủ Canxi, trẻ vẫn có nguy cơ thiếu hụt khoáng chất này. Tắm nắng là cách hiệu quả nhất để cung cấp vitamin D cho cơ thể.
Dấu hiệu trẻ thiếu Canxi?
Nếu trẻ có các dấu hiệu sau đây, rất có thể con đã bị thiếu hụt Canxi:
Dấu hiệu trẻ sơ sinh thiếu Canxi
Những biểu hiện của việc thiếu Canxi ở trẻ sơ sinh thường không quá rõ ràng, nhiều trẻ không biểu hiện triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ ít được chú ý:
- Co giật
- Hay cáu gắt
- Bồn chồn không yên, la hét và quấy khóc thường xuyên
- Chỉ bú sữa mẹ rất ít
- Thường xuyên run rẩy
Dấu hiệu trẻ nhỏ thiếu Canxi
Thiếu Canxi ở trẻ nhỏ có một số dấu hiệu nhận biết như:
Rụng tóc vành khăn: Phần tóc ở sau gáy của trẻ không thể mọc hoặc mọc rất ít. Đây là một dấu hiệu điển hình của thiếu Canxi.
Rụng tóc vành khăn là dấu hiệu điển hình của thiếu Canxi ở trẻ
- Ra mồ hôi về đêm: Vùng lưng, cổ, trán, gáy của trẻ đổ mồ hôi nhiều về đêm. Điều này làm trẻ dễ bị nhiễm lạnh, hay đau ốm.
- hóp lâu liền: Thóp là vùng mềm giữa các xương sọ bên trán của trẻ. Nó thường liền lại và khép kín khi trẻ phát triển từ 12-18 tháng tuổi. Nếu không có đủ Canxi, thóp sẽ lâu liền hơn làm đầu của trẻ to bất thường trong khi cơ thể còi cọc, nhỏ bé.
- Chân vòng kiềng: Xương chân của trẻ có thể bị biến dạng, cong hình chữ O hoặc chữ X nếu thiếu Canxi. Việc này cũng ảnh hưởng đến khả năng vận động của trẻ như lật, bò, đứng, đi. Chân vòng kiềng cũng rất khó điều trị và trẻ có thể phải sống chung cả đời với đôi chân không thẳng đẹp.
- Khó ngủ: Trẻ sơ sinh thiếu Canxi thường xuyên trong trạng thái hưng phấn, gây ức chế vỏ não, ảnh hưởng xấu đến tín hiệu xung quanh thần kinh trung ương. Vỏ não hoạt động liên tục khiến trẻ khó ngủ, ngủ không ngon giấc, hay mơ màng và quấy khóc về đêm.
- Nấc cụt, ọc sữa: Khi thiếu hụt Canxi, trẻ sơ sinh dễ bị co thắt thực quản và hệ tiêu hóa hoạt động không ổn định. Hệ quả là trẻ thường xuyên bị nấc cụt, ọc sữa, nôn trớ, trào ngược dạ dày thực quản.
- Nhận thức kém: Canxi tham gia điều khiển hoạt động của hệ thần kinh, dẫn truyền tín hiệu thần kinh đến các bộ phận khác. Khi thiếu hụt Canxi, trẻ có thể bị chậm nhận thức, phản xạ kém trong nhiều hoạt động bình thường.
Một số dấu hiệu khác thường gặp ở trẻ sơ sinh bị thiếu Canxi: Tim đập nhanh, khó thở, động kinh…
Trẻ thiếu canxi ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe?
Thiếu hụt Canxi, trẻ nhỏ thường có các biểu hiện sau:
- Suy dinh dưỡng: Khoáng chất Canxi tham gia vào quá trình phân giải một số dưỡng chất, hỗ trợ tiêu hóa thực phẩm. Khi không có đủ Canxi, cơ thể có thể không hấp thụ đủ các chất dinh dưỡng quan trọng, dẫn đến trẻ suy dinh dưỡng, chậm phát triển.
- Còi xương, chậm lớn: Đây là dấu hiệu đồng thời là hệ quả nghiêm trọng do thiếu hụt Canxi gây ra ở trẻ em. Canxi cần thiết để khung xương trẻ phát triển. Tuy nhiên, khi không nhận đủ lượng Canxi cần thiết, sụn mới không được sản sinh, xương tăng trưởng kém, còi xương, xương dị dạng. Trẻ dễ bị té ngã và tỉ lệ gãy xương cao.
Trẻ bị còi xương, chậm lớn do thiếu hụt Canxi
- Khung xương biến dạng, sâu răng: Trẻ có thể gặp tình trạng sâu răng, cong vẹo cột sống, chân cong, không thể đi lại hoặc chạy nhảy như bình thường.
- Rối loạn thần kinh: Canxi điều tiết hoạt động của hệ thần kinh. Thiếu hụt Canxi có thể gây ức chế xung động thần kinh, dẫn đến hưng phấn quá độ, căng thẳng và lo lắng quá mức.
- Co giật từng cơn: Trẻ bị rối loạn phản ứng co, co giật cơ nếu thiếu hụt Canxi.
- Khó ngủ: Khi không có đủ Canxi, trẻ thường xuyên hưng phấn, thần kinh hoạt động không ổn định, dẫn đến khó ngủ, hay tỉnh giấc giữa đêm.
- Dễ bệnh: Hệ miễn dịch suy yếu khi cơ thể không được cung cấp đủ nhu cầu Canxi, các yếu tố gây bệnh dễ dàng xâm nhập vào cơ thể tấn công và gây bệnh tật. Dễ bệnh là một biểu hiện thường gặp của thiếu hụt Canxi ở trẻ.
- Vết thương lâu lành: Canxi cần thiết trong quá trình gửi tín hiệu đến não bộ để chữa lành vết thương. Đồng thời nó còn phát hiện và ngăn cơ thể cố gắng chữa lành các tế bào tổn thương không có khả năng phục hồi. Do đó, trẻ thiếu Canxi hay gặp trường hợp các vết xước, đứt tay, té ngã lâu lành hơn các trẻ bình thường.
Cách bổ sung canxi cho trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh
Cách bổ sung canxi cho trẻ sơ sinh
Dinh dưỡng trẻ sơ sinh nhận được chủ yếu qua sữa mẹ. Do đó, muốn bổ sung Canxi cho trẻ sơ sinh, mẹ cần chú ý tăng cường sử dụng các thực phẩm giàu Canxi trong thực đơn ăn uống hằng ngày, thậm chí có thể bổ sung Canxi dạng thực phẩm chức năng nhằm giúp con nhận đủ lượng Canxi cần thiết.
Cách bổ sung canxi cho trẻ nhỏ
Từ 6 tháng tuổi trở đi, trẻ cần được ăn dặm kết hợp với bú sữa mẹ thì mới có đủ dinh dưỡng để phát triển thể chất, trí tuệ. Lúc này, bên cạnh việc mẹ ăn nhiều thực phẩm giàu Canxi thì cần lựa chọn những thực phẩm, sản phẩm chứa hàm lượng Canxi cao cho bữa ăn dặm của con mỗi ngày.
Một số thực phẩm giàu Canxi tốt cho trẻ
Thực phẩm giàu Canxi, thích hợp để bổ sung Canxi cho trẻ nhỏ gồm có:
- Sữa tươi và chế phẩm từ sữa
- Cá
- Tôm
- Cua
- Mực
- Rau bina
- Bông cải xanh
- Rau dền
- Đậu phụ
- Các loại hạt
Với trẻ từ 5 tuổi trở lên có các dấu hiệu thiếu hụt Canxi, cha mẹ có thể cho con sử dụng thêm các sản phẩm bổ sung Canxi và các dưỡng chất tốt cho xương như: Vitamin D, collagen type II, Magie, Kẽm… Điều này rất có lợi cho sự phát triển chiều cao cũng như sức khỏe hệ xương khớp, khắc phục tình trạng sức khỏe suy giảm do thiếu hụt Canxi trong thời gian qua.
Nguy hại khi trẻ bị thừa canxi
Thiếu Canxi rất bất lợi cho chiều cao và sức khỏe của trẻ nhưng việc thừa Canxi cũng nguy hiểm không kém.
Một số phụ huynh vì lo sợ con bị thiếu hụt Canxi nên đã tiến hành bổ sung Canxi bằng nhiều cách: Cho con ăn thực phẩm giàu Canxi nhiều lần trong ngày, uống thêm các sản phẩm chứa Canxi… dẫn đến tình trạng dư thừa Canxi.
Thừa Canxi là tình trạng nồng độ Canxi trong cơ thể cao hơn chỉ số bình thường với các biểu hiện thường gặp là: Táo bón, đau bụng, buồn nôn, trẻ biếng ăn, đau cơ và xương, cơ thể mệt mỏi, dễ mất tập trung, đi tiểu ra máu, rối loạn nhịp tim…
Trẻ thừa Canxi có dấu hiệu biếng ăn
Thừa Canxi cũng nguy hiểm không kém thiếu Canxi, gây ra các hệ lụy sức khỏe nghiêm trọng như:
- Kém phát triển chiều cao: Thừa Canxi, hàm lượng Canxi trong máu tăng cao và Canxi đi vào xương nhiều hơn, làm xương cứng sớm, (cốt hóa xương sớm) dẫn đến hạn chế sự phát triển chiều cao.
- Giảm khả năng hấp thụ khoáng chất: Canxi không được hấp thụ hết sẽ giảm khả năng hấp thụ các khoáng chất thiết yếu như: Sắt, kẽm, magie, phốt pho…
- Vôi hóa mô mềm: Canxi tồn tại nhiều trong máu gây xơ vữa động mạnh, vôi hóa mô mềm, tạo ra nhiều vết nhăn trên da.
- Cường giáp: Thừa Canxi gây rối loạn nhịp tim, buộc tuyến giáp phải tiết ra nhiều nội tiết tố để giảm nồng độ Canxi trong máu và đào thải Canxi thừa ra ngoài. Theo thời gian, tuyến giáp hoạt động quá tải để sản xuất số lượng lớn nội tiết tố có thể dẫn đến bệnh cường giáp.
- Sỏi thận: Dư thừa Canxi sẽ được đào thải qua nước tiểu, khiến thận bị quá tải, làm vôi hóa thận, tăng nguy cơ sỏi niệu quản, sỏi thận.
Bổ sung canxi cho trẻ cần lưu ý những gì?
Khi bổ sung Canxi cho trẻ cần lưu ý những yếu tố quan trọng sau:
- Tìm hiểu nhu cầu Canxi của trẻ qua từng giai đoạn phát triển, tính toán để bổ sung đủ lượng Canxi cần thiết, không để xảy ra tình trạng thừa Canxi.
+ Từ 0-6 tháng tuổi: 210 mg Canxi/ngày
+ Từ 7-12 tháng tuổi: 270mg Canxi /ngày
+ Từ 1-3 tuổi: 500 mg Canxi/ngày
+ Từ 4-8 tuổi: 800 mg Canxi/ngày
+ Từ 9-18 tuổi: 1.300 mg Canxi/ngày
- Bổ sung Canxi không bỏ qua vitamin D. Loại vitamin này cần thiết để cơ thể hấp thụ và chuyển hóa Canxi tốt hơn. Không có vitamin D, cơ thể vẫn thiếu hụt Canxi dù chế độ ăn đã cung cấp đủ khoáng chất này.
Có thể bổ sung Canxi cho trẻ trên 5 tuổi thông qua thực phẩm chức năng
- Nếu chọn sản phẩm bổ sung Canxi dạng viên phải cân nhắc các yếu tố quan trọng sau:
+ Xuất xứ của sản phẩm đến từ đâu (nước nào, công ty nào), có uy tín không?
+ Độ tuổi sử dụng của sản phẩm là bao nhiêu, có phù hợp với tuổi của con không?
+ Sản phẩm ngoài Canxi còn chứa các thành phần nào khác
+ Hàm lượng Canxi/viên, hàm lượng Canxi bổ sung mỗi ngày bao nhiêu?
+ Sản phẩm đã được cấp phép hay chưa, đã được chứng nhận bởi các cơ quan, tổ chức chuyên trách chưa?
+ Sử dụng sản phẩm bổ sung Canxi theo đúng hướng dẫn, không tự ý tăng giảm liều dùng.
Canxi đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe và sự tăng trưởng thể chất của trẻ. Bổ sung đủ Canxi và đúng cách là yếu tố quan trọng quyết định con có thể đạt chiều cao chuẩn khi trưởng thành hay không. Do đó, cha mẹ cần dành sự quan tâm đến khoáng chất này, không để xảy ra tình trạng thể thiếu Canxi hoặc thừa Canxi.