Trẻ gãy chân có còn tăng chiều cao được hay không?
Nguyên nhân gãy xương chân thường gặp ở trẻ
Trong giai đoạn khôn lớn của trẻ, việc hoạt động, chạy nhảy dẫn đến va chạm là điều không thể tránh khỏi. Trong một số trường hợp va chạm nặng, trẻ có thể bị ngã, chấn thương dẫn đến gãy chân.
Một số trường hợp không mong muốn khác như tai nạn giao thông, bệnh lý liên quan đến xương cũng là nguyên nhân dẫn đến việc gãy xương chân ở trẻ.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị gãy xương chân
Gãy xương chân là một trong những chấn thương nguy hiểm cần xử lý kịp thời để tránh ảnh hưởng đến hệ thống xương, mạch máu, dây thần kinh, các cơ quan gần vùng xương gãy hoặc thậm chí là tính mạng của trẻ. Vì thế, việc nhận biết trẻ có bị gãy xương chân hay không là điều vô cùng cần thiết. Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết xương chân của trẻ bị gãy:
- Trẻ đau chân dữ dội và trầm trọng hơn là không di chuyển được.
- Khi trẻ ngã gãy xương sẽ có tiếng kêu như tiếng đồ vật bị gãy.
- Vị trí gãy sẽ bị sưng phù, bầm tím.
- Với trẻ còn nhỏ tuổi, trẻ sẽ không thể đi lại, chơi đùa và có thể khóc không rõ nguyên nhân.
- Trẻ đi khập khiễng hoặc không đứng vững do bị tổn thương nặng ở bên trong.
Dấu hiệu nhận biết gãy xương chân ở trẻ
Các loại gãy xương chân thường gặp ở trẻ
Gãy xương chân được chia thành nhiều loại khác nhau. Tùy vào từng trường hợp mà mức độ nghiêm trọng và thời gian phục hồi sẽ có sự khác biệt. Một số trường hợp gãy xương chân thường gặp ở trẻ có thể kể đến là:
Gãy xương hở
Khi trẻ bị gãy xương hở, ba mẹ có thể nhìn thấy xương của trẻ xuyên ra ngoài, tạo thành vết thương hở và chảy máu. Một số trường hợp gãy nặng hơn sẽ dẫn đến việc các cơ giập nát, dây thần kinh và mạch máu xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trường hợp này trẻ cần được đưa đến cơ quan y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.
Gãy xương kín
Ngược lại với gãy xương hở, khi bị gãy xương kín thì phần xương gãy không chọc qua cơ và da để tạo thành vết thương. Ba mẹ chỉ có thể nhận biết khi chân trẻ bị sưng, bầm, trẻ bị đau hoặc không đi lại được.
Gãy xương không hoàn toàn
Gãy xương không hoàn toàn là tình trạng gãy xương chân nhưng hai đầu xương gãy không tách nhau hoàn toàn. Thông thường, đây có thể chỉ là vết nứt, rạn hoặc gãy một phần bề mặt của xương. Tuy nhiên, trẻ vẫn cần phải băng bột để cố định và giúp xương hồi phục.
Gãy xương hoàn toàn
Gãy xương hoàn toàn là tình trạng hai đầu xương gãy sẽ tách nhau hoàn toàn, kèm theo vỡ vụn, vặn xoắn hoặc dị lệch xương.
Gãy xương di lệch
Khi hai đầu xương gãy của trẻ dịch chuyển khỏi trục ban đầu tức là trẻ đang bị gãy xương dị lệch. Những trường hợp này thường gây tổn hại đến mạch máu, cơ chân và hệ thống dây thần kinh xung quanh vị trí gãy.
Gãy xương cành xanh
Khi bị gãy xương cành xanh, hai đầu xương gãy của trẻ sẽ dính với nhau tại màng xương. Đây là trường hợp gãy xương chân thường gặp nhất ở trẻ em.
Gãy xương chân có cao lên được không?
Khi trẻ bị gãy xương chân, quá trình tăng trưởng của xương tại vị trí gãy sẽ tạm thời bị gián đoạn. Giai đoạn này, các dưỡng chất được nạp về cơ thể sẽ giúp tái tạo tế bào xương mới, khôi phục các tế bào xương tại nơi gãy giúp chân trẻ hoạt động bình thường trở lại. Sau khi vị trí gãy hoàn toàn bình phục, việc phát triển của xương tại vị trí này sẽ diễn ra bình thường trở lại. Do đó, trẻ bị gãy xương chân vẫn có thể cao lên được nếu vẫn đang trong độ tuổi tăng trưởng chiều cao.
Trẻ gãy xương chân vẫn có thể tăng chiều cao
Chăm sóc và phục hồi sau gãy xương chân như thế nào?
Mức độ nghiêm trọng, vị trí gãy xương và chế độ chăm sóc sau phẫu thuật là những yếu tố quyết định thời gian phục hồi. Tuy nhiên, trẻ em thường có khả năng hồi phục tốt hơn nhờ quá trình phát triển và tái tạo xương diễn ra mạnh mẽ. Do đó, nếu được chăm sóc đúng cách và cung cấp đầy đủ dưỡng chất, trẻ sẽ sớm lành lặn và tiếp tục tăng trưởng chiều cao. Dưới đây là một số kinh nghiệm chăm sóc và phục hồi sau gãy xương chân mà ba mẹ nên tham khảo:
Tuân thủ theo các chỉ định của Bác sĩ
Tuân thủ theo các hướng dẫn, chỉ định của Bác sĩ là điều vô cùng cần thiết để chăm sóc trẻ bị gãy chân. Ba mẹ hãy để trẻ uống thuốc theo liều lượng hoặc tham gia các liệu trình phục hồi chức năng do Bác sĩ chỉ định.
Bên cạnh đó, ba mẹ nên đưa trẻ đến tái khám định kỳ để Bác sĩ theo dõi quá trình bình phục của trẻ. Từ đó đưa ra những giải pháp kịp thời để vết thương của trẻ nhanh hồi phục hơn.
Chế độ dinh dưỡng đầy đủ
Trong giai đoạn phục hồi khi gãy chân, cơ thể trẻ cần được bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển và tái tạo xương như Canxi, Vitamin D, Vitamin K, Collagen và các chất dinh dưỡng khác. Một số thực phẩm giàu dinh dưỡng, có lợi cho sự phát triển xương khớp mà ba mẹ có thể chế biến trong bữa ăn hàng ngày cho trẻ gãy xương chân là trứng, cá, rau xanh hoặc các loại hạt.
Bổ sung thực phẩm có lợi cho sự phát triển xương khớp giúp trẻ nhanh bình phục và tăng trưởng chiều cao.
Ngoài ra, ba mẹ có thể bổ sung Canxi cho trẻ bằng các loại sữa tươi như sữa bò, sữa dê hoặc các dòng sữa tăng chiều cao để giúp xương nhanh liền và tạo tiền đề tăng trưởng chiều cao mạnh mẽ khi bình phục.
Khuyến khích trẻ hoạt động nhẹ nhàng
Thời gian đầu khi gãy chân, trẻ cần phải hạn chế đi lại, tránh ảnh hưởng đến vết thương. Tuy nhiên, sau khi vết thương đã ổn định hơn, ba mẹ nên khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động nhẹ nhàng theo lời khuyên của bác sĩ để tăng cường sức khỏe xương khớp, thúc đẩy quá trình lưu thông máu ở chân bị gãy. Trẻ cũng nên cử động các khớp xung quanh như khớp ngón chân để tránh tình trạng cứng khớp.
Hướng dẫn sơ cứu khi trẻ gãy xương chân
Việc sơ cứu đúng cách khi trẻ bị gãy chân là điều vô cùng cần thiết để giúp trẻ ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Khi phát hiện trẻ gãy xương chân, ba mẹ cần gọi xe cấp cứu, sau đó tiến hành sơ cứu tại chỗ cho trẻ như sau:
- Kiểm tra tình trạng của trẻ: Ba mẹ cần kiểm tra xem trẻ có bị thương ở những bộ phận khác không, có chảy máu nhiều không. Nếu chảy nhiều máu, ba mẹ cần cầm máu ngay cho trẻ.
- Cố định vị trí gãy xương: Sử dụng các vật liệu sẵn có như gậy, tấm ván... để cố định phần chân bị gãy, tránh di chuyển hoặc nắn chỉnh để hạn chế tình trạng xương lệch khỏi vị trí ban đầu và gây tổn thương các cơ quan xung quanh nơi gãy.
- Chườm lạnh: Chườm đá hoặc túi lạnh vào vùng bị thương để giúp trẻ giảm đau và sưng.
- Không tự ý di chuyển trẻ: Tránh di chuyển trẻ trừ khi thực sự cần thiết, vì điều này có thể làm cho vết thương trở nên nghiêm trọng hơn.
- Xử lý vết thương: Trong một số trường hợp gãy xương hở, ba mẹ cần cầm máu và che phần xương nhô ra bằng vải sạch hoặc băng gạt nhưng tuyệt đối không được tác động mạnh trực tiếp lên mảnh xương.
Gãy xương chân là chấn thương xảy ra ngoài mong muốn khiến xương bị tổn thương và cần thời gian dài để bình phục. Tuy nhiên, điều này sẽ không quá ảnh hưởng đến việc tăng chiều cao của trẻ nếu ba mẹ chăm sóc và phục hồi sau gãy chân cho trẻ đúng cách. Tuân theo chỉ định của bác sĩ, kết hợp với chế độ dinh dưỡng khoa học và hoạt động nhẹ nhàng sẽ rút ngắn thời gian phục hồi của xương. Sau đó, việc tăng trưởng của xương sẽ vẫn được tiếp tục và chiều cao của trẻ sẽ được tăng lên.